Tổng quan về chi gọng vó Drosera
Chi Drosera (gọng vó) thuộc nhóm cây bắt mồi với ít nhất 194 loài đã được biết đến. Trong tiếng Anh, drosera có tên chung là sundew, tạm dịch là giọt sương trong nắng! Một cái tên thật đẹp, thật ý nghĩa, phản ánh tính chất đặc trưng nhất của lá gọng vó: những "giọt sương" này giúp dính con mồi để cây tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng. Đây là khả năng bắt mồi vô cùng độc đáo trong thế giới thực vật. Và bữa nay, Bee và các bạn sẽ cùng tìm hiểu qua vài nét chính nhất về chi gọng vó đặc biệt này:
1. Môi trường sống:
Gọng vó phân bố rộng khắp trên thế giới, từ Alaska xa xôi đến châu Âu, châu Á và cả châu Úc. Chúng tập trung nhiều nhất ở Australia (nước Úc) với khoảng 50% số loài hiện biết. Đa số những cây gọng vó này sống chủ yếu trong môi trường ẩm ướt, nghèo dinh dưỡng, môi trường acid, có ánh sáng mạnh như các đầm lầy, các vùng ngập nước theo mùa.
|
Hình drosera trong môi trường tự nhiên (Bee sưu tầm từ internet) |
2. Lá và khả năng bắt mồi:
Lá của nhiều loài gọng vó thường đối xứng qua thân và có hình dạng tương đối giống bông hoa. Trên đó có các lông tuyến mà trên đầu mỗi sợi lông là chất dính trong suốt- "những giọt sương" của cây. Những con mồi nhỏ, chủ yếu là côn trùng như ruồi, muỗi... khi chạm vào những "giọt sương" này thường bị dính lại. Càng vùng vẫy, con mồi càng dính nhiều "giọt sương" này, và càng khó thoát ra. Những chiếc lông có khả năng di chuyển, đáp ứng lại cử động con mồi, cuốn chúng chặt hơn và góp phần làm chúng bị ngạt. Cuối cùng, con mồi thường kiệt sức và chết. Lúc này cây sẽ tiết enzyme tiêu hóa con mồi và hấp thụ dinh dưỡng. Đây là một cơ chế giúp gọng vó sống sót ở những nơi nghèo dinh dưỡng.
Ở một số loài gọng vó, bạn có thể thấy 1 phần lá hoặc nguyên cái lá uốn cong để giữ và tiêu hóa con mồi. quá trình này thông thường mất từ 15-30 phút. Tuy nhiên, gọng vó Drosera burmannii ở Việt Nam có thể cuốn lấy con mồi bằng những cái lông ở rìa ngoài lá chỉ trong vài giây!
Drosera burmannii (clone xanh- Bee Garden)
3. Hoa- quả- Sinh sản:
Hoa của gọng vó, hay của hầu hết các loại cây bắt mồi đều nằm khá cao phía trên lá thông qua một vòi hoa khá dài. Mục đích của việc này là để các côn trùng thụ phấn cho cây có thể tránh những chiếc bẫy bắt mồi phía dưới lá. Hoa của gọng vó thường nhỏ, và không có nhiều đặc sắc.
Nhiều loài gọng vó là tự thụ (nghĩa là phấn hoa rơi trên bầu nhụy của chính hoa đó- và không cần hoa đực- hoa cái để giao phấn). Hạt thường có màu đen, đa số khá nhỏ chỉ như hạt cát chứa trong vỏ quả.
Đa số gọng vó sinh sản và tạo ra thế hệ tiếp theo từ hạt. Tuy nhiên nhiều loài có thể sinh sản sinh dưỡng bằng cách mọc cây con từ rễ, những chiếc lá hay thân bò, khi những bộ phận này nằm trên bề mặt đất ẩm. Gọng vó lùn (pygmy sundew) sinh sản thông qua 1 bộ phận nhỏ, màu xanh gọi là mầm. ở Việt Nam nhiều người quen gọi loại này là mầm đông do chúng thường tạo mầm vào mùa đông. Ngoài ra, 1 nhóm gọng vó có củ tạo ra các thế hệ tiếp theo nhờ các "củ" dự trữ dưới rễ của chúng.
Hoa gọng vó: mầm đông D. x nitidula x pulchella (từ Bee Garden)
4. Công dụng:
Công dụng đầu tiên phải kể đến của gọng vó là làm cảnh. Đây là loài cây chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam, nhưng rất có tiềm năng bởi vẻ đẹp của chúng. Với những "giọt sương" trên lá, hình dạng lá như một bông hoa mọc lên từ đất, và khả năng bắt mồi là những điểm thu hút của cây gọng vó với những bạn trẻ đam mê cây cảnh.
Drosera indica lung linh trong nắng sớm (Bee Garden)
Ngoài ra, gọng vó còn có thể dùng làm thuốc. các bộ phận như rễ và hoa một số cây gọng vó có thể dùng để trị hen suyễn, ho, viêm phổi hay đau răng...
Một ứng dụng cũng rất đáng chú ý trong công nghệ nano là khả năng cố kết (bám dính) của tuyến nhày trong các "giọt sương" trên lá. Người ta đang nghiên cứu để tạo ra các sợi nano hay phân tử nano từ những "giọt sương" này. Hơn nữa chúng cũng có triển vọng rất lớn trong kĩ thuật mô dùng trong điều trị bệnh. (Cái này mình không đào sâu vì không phải chủ đề chính của bài viết ^^ )
5. Drosera mà Bee đang sưu tầm:
Bee thật sự rất ấn tượng về các loài cây gọng vó. Ngoài bất lợi nhỏ về kích thước (đa số gọng vó thường khá nhỏ) thì chúng rất thích hợp để trưng bày hay trang trí. Vì vậy Bee đã và đang sưu tầm ngày một nhiều loài gọng vó. Có thể kể tên ở đây như: Drosera burmannii, spatulata, intermedia, binata, indica, mầm đông: nitidula x pulchella, lake bargerup, hay mới đây là loài gọng vó lai D. x beleziana rất đẹp. Hi vọng trong một ngày không xa, Bee có thể sở hữu và thuần hóa loài gọng vó Drosera capensis- một trong những ao ước to bự không chỉ của Bee mà còn của các bạn chơi cây bắt mồi ở Việt Nam!
Drosera inetrmedia (Bee Garden)