Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Một số hướng chọn lọc Venus Flytrap

Một số hướng chọn lọc Venus Flytrap Dionaea

Venus Flytrap - VFT (tên khoa học: Dionaea muscipula) từ trước đến nay vẫn là loài cây bắt mồi được rất nhiều người chú ý bởi khả năng cử động rất nhanh của kẹp để bẫy con mồi. Vì vậy, dù không có nhiều loài như nắp ấm Nepenthes, gọng vó Drosera và một số nhóm cây bắt mồi khác nhưng không vì thế mà VFT kém đi sự đa dạng. Các nhà chọn giống đã chọn lọc ra rất nhiều kiểu Flytrap khác nhau để phục vụ cho thị hiếu của người yêu cây. Thông thường khi một dòng mới được tạo ra, người lai tạo sẽ có quyền đặt tên cho dòng VFT của mình. Vì vậy mà đa phần dòng VFT có cái tên rất "kêu", thích hợp cho việc thương mại hóa VFT. Một số hướng chọn giống gồm:
1. Chọn VFT có kích thước kẹp to: do VFT là dạng thân hành, mọc sát đất nên kích thước chúng cũng tương đối khiêm tốn. Thông thường VFT có kẹp từ 1-3cm tùy loại. Tuy nhiên một số dòng VFT có kích thước kẹp khá to, có thể đạt tới hơn 5cm như B52, Big Mouth...
Venus Flytrap B52
VFT B52

2. Chọn VFT có màu đỏ toàn thân: VFT cũng giống như rất nhiều loại thực vật khác, cần có sắc tố xanh để quang hợp (tạo năng lượng), do đó, ngoài tự nhiên cây thướng có màu xanh, kẹp xanh hoắc đỏ. Nhưng các nhà chọn giống đã tạo ra VFT đỏ toàn thân, từ lá tới kẹp, vô cùng bắt mắt như Red Piranha, Akai Ryu, 'Bohemian Garnet'...
Venus Flytrap Dionaea
VFT Bohemian Garnet

3. Chọn VFT có hình dáng răng khác thường: các nhà chọn giống đã chọn và giữ lại khá nhiều dòng VFT độc đáo với kiểu răng khác thường như răng hình tam giác và các biến dạng của nó (nhóm VFT Dentata gồm nhiều dòng như Sawtooth, Shark tooth, Dentate...), răng ngắn như VFT Alien, VFT Microdent hay các biến dị gần như không có răng như Coquillage, Harmony. Bên cạnh đó một số dòng có răng dính lại với nhau như Fused tooth, Triton, Fuzzy tooth cũng rất được ưa thích.
VFT Sawtooth
VFT Microdent
VFT Coquillage
VFT Fused tooth

4. Chọn VFT theo hình dáng kẹp: kẹp VFT càng ngày càng có các dọng khác thường. Một số kẹp như VFT cup trap, trion, Funnel trap có 2 bên kẹp bị dính vào nhau. Một số khác lại có nhiều hơn 1 kẹp trên 1 chiếc lá như Mirror, hay lá với kẹp bị dính liền với nhau như Korrigans. Một thành viên khác không thể không nhắc đến là Wacky trap với hình dạng kẹp làm cho nhiều người liên tưởng tới cái đầu của nhân vật hoạt hình Bart Simpson.
VFT Mirror
VFT Korrigans
VFT Angel Wings

Trên đây là một số hướng chọn giống điển hình nhất của các dòng VFT. Ở Việt Nam có số lượng các dòng VFT tương đối hạn chế vì không thực sự thích hợp khí hậu và giá khá cao. Tuy nhiên, một ngày nào đó, biết đâu chính bạn sẽ tạo ra 1 dòng VFT riêng biệt của chính mình. Biết đâu đấy!

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Cây bẫy kẹp Dionaea muscipula

Cây bẫy kẹp Venus Flytrap Dionaea muscipula

Đây là loại cây bắt mồi độc đáo với khả năng bắt mồi rõ nét nhất và cũng được phim ảnh "phóng đại" thuộc hàng nhiều nhất nhì trong giới cây bắt mồi. Chúng là cây bản địa ở Mỹ, sống tự nhiên ở những vùng đầm lầy ẩm ướt nghèo dinh dưỡng. Vì vậy húng đã tiến hóa theo hướng lấy nguồn dinh dưỡng từ con mồi. Khi những con côn trùng đậu vào bên trong những chiếc kẹp và chạm vào những chiếc lông trong cái kẹp thì kẹp sẽ lập tức đóng lại và giữ chặt con mồi bên trong. Sau đó dịch tiêu hóa sẽ làm nốt công việc còn lại. Vài ngày sau, chiếc kẹp sẽ tiếp tục mở ra để bắt đầu 1 chu trình mới.
Dionaea muscipula Venus Flytrap

Cây bẫy kẹp, hay cây bắt ruồi (tên tiếng Anh: Venus Flytrap) thực ra chỉ gồm 1 loài duy nhất trong chi Dionaea, khác với cây nắp ấm, gọng vó hay hố bẫy. Tuy nhiên, sự độc đáo và đặc biệt của loài cây này được rất nhiều người say mê và lai tạo ra rất nhiều giống với  hình dạng, màu sắc, kích thước hết sức đa dạng. Và để dễ dàng trong việc buôn bán, trao đổi, những cái tên thương mại bắt đầu xuất hiện với những cái tên hết sức hấp dẫn như Red Piranha (piranha là loài cá ăn thịt nổi tiếng vùng sông Amazon), Shark's Teeth (răng cá mập), Big Mouth (cái miệng lớn), B52.......
Dionaea muscipula Venus Flytrap

Ở Việt Nam khí hậu không thực sự thích hợp để trồng loài cây này, nhưng vì đam mê nên ngày càng có nhiều người sở hữu những cây bẫy kẹp. Có thể kể tên một số giống phổ biến ở Việt Nam như typical, red piranha, low giant, DC XL... Tuy vậy giá thành vẫn tương đối cao để có thể sở hữu 1 cây bắt mồi hết sức đặc biệt này.
Dionaea muscipula wacky trap

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Xương rồng sao biển Huernia zebrina

Xương rồng sao biển Huernia zebrina

Cây xương rồng sao biển Huernia zebrina là một trong những loại xương rồng sao biển phổ biến nhất ở Việt Nam. Cây dễ trồng, ra nhiều nhánh, hoa cũng rất ấn tượng nên được nhiều người chú ý quan tâm đến.
xương rồng sao biển Huernia zebrina

Đây là hình ảnh cây Huernia zebrina mới nhất ra nhập khu vườn nhà Bee.. Cây mới có 4 nhánh nhưng đã ra hoa :)
xương rồng sao biển Huernia zebrina
Và đây là cận cảnh hoa của cây, nhìn rất quyến rũ :)) Hoa có 5 cánh, hình giống con sao biển, màu vàng. Ngoài ra cây còn có tên là "Life Saver Plant"- vì hình dáng hoa giống như một cái phao cứu sinh. Gai trên thân mềm, không quá nhọn nên chơi loài xương rồng sao biển này tương đối an toàn.

Chăm sóc:

Chất trồng: Cây được trồng không cần nhiều dinh dưỡng, cỏ thể trộn ít phân bón với sỉ than.
Nắng: Cây đặc biệt phù hợp với điều kiện nắng mạnh cả ngày và nơi khô ráo. Nắng nhiều và thường xuyên cũng làm cây ra hoa nhiều hơn.
Nước: bạn có thể tưới nước từ 1-3 lần 1 tuần, và tránh tưới quá nhiều, có thể làm Huernia zebrina bị úng.
Cách chăm sóc này tương đối đơn giản, phù hợp với những người bận rộn không có thời gian chăm sóc cây. Chúc bạn sớm có một cây xương rồng sao biển Huernia zebrina làm cảnh trong nhà!

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Nắp ấm Nepenthes viking x ampullaria

Một số dòng nắp ấm lai Nepenthes viking x ampullaria

 (viết tắt N. viking x ampu)
Cây bố mẹ đều là những cây Lowland nên dòng lai này dễ thích nghi với điều kiện khí hậu Việt Nam. Và cũng không khó hiểu khi ở Việt Nam có khá nhiều dòng lai với màu sắc khác nhau của loài nắp ấm lai này. Chúng ta cùng điểm qua vài cái tên tiêu biểu:
1. N. viking x ampu red strip lip: có màu đỏ đậm, môi sọc đỏ vàng, là một trong những dòng lai được ưa chuộng nhất
N. viking x ampullaria
2. N. viking x ampu green spotted: là một trong những dòng lai được nhiều người chơi cây bắt mồi Việt Nam sở hữu nhất. Hai hình ảnh này đều là chup từ vườn của Bee :)
N. viking x ampullaria
3. N. viking x ampu red dark lip: là một dòng lai có màu đỏ tươi và môi đỏ đậm khá bắt mắt

4. N. viking x ampu black miracle: đây là dòng lai N. viking x ampu có giá đắt nhất, lên đến cả triệu cho 1 cây. Vì thế ở Việt Nam số người sở hữu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Màu ấm đen được ưa chuộng nhất. Ngoài ra lá của cây lai này còn có màu sọc đen.... Không chơi ấm thì chơi lá :v
Trên đây là 4 biến thể dòng nắp ấm lai N. viking x ampullaria đáng quan tâm nhất tại Việt Nam. Ngoài ra còn có nhiều biến thể khác nhưng chưa phổ biến hoặc hấp dẫn bằng.

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Nepenthes Dyeriana

Cây nắp ấm Nepenthes dyeriana

Cây nắp ấm Nepenthes dyeriana là cây có ấm to nhất trồng được trong điều kiện khí hậu đồng bằng Việt Nam, và hiện cũng là cây có ấm to nhất tại vườn của Bee. Đây là cây lai với bố mẹ là (northiana x maxima) x (rafflesiana x veitchii).  Và thật may mắn khi đầu Tết được chứng kiến 1 cái ấm mới bung nắp :)
Nepenthes dyeriana

Cái ấm bung nắp vào ngày mùng 3 Tết với chiếu dài hơn 20cm. Và đây là hình mặt bên của ấm :)

cận cảnh cái môi sọc quyến rũ của Nepenthes dyeriana :)) quá kích thích và muốn ngắm mãi không thôi!
Nepenthes dyeriana
Còn đây là hình cái ấm cũ, bé hơn, đạt khoảng 15cm
Kích thước ấm của Nepenthes dyeriana còn có khả năng to hơn nhiều, Bee sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về lòai này cho các bạn trong thời gian tới :)

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Hướng dẫn gieo hạt cây nắp ấm Nepenthes

Cách gieo hạt cây nắp ấm Nepenthes

Gieo hạt cây nắp ấm Nepenthes là một công việc khá thú vị nhưng đòi hỏi tính kiên nhẫn rất cao để có được thành quả xứng đáng. Với cây gieo hạt, bạn có thể thu nhận được nhiều giống (clone) đa dạng, phong phú và độc đáo.
Bước 1: Chuẩn bị chất trồng và chậu thích hợp
Chất trồng bạn có thể chọn dớn trắng, xơ dừa dừa cục, trộn 1 phần cát, đá perlite.... Cây nắp ấm bạn trồng với chất trồng nào thì bạn hoàn toàn có thể gieo hạt bằng loại chất trồng đó. Tuy nhiên bạn cũng nên xử lí sơ qua với chất trồng để loại bỏ tạp chất và chất khoáng lẫn trong chất trồng. Bạn có thể ngâm, rửa qua vài lượt nước cho sạch.
Dớn

Bước 2: Gieo hạt trên chất trồng
Quả và hạt nắp ấm

Với hạt nắp ấm tương đối nhỏ bạn nên phun ẩm chất trồng để tạo độ ẩm, dính hạt tốt hơn và tránh hạt bị gió thổi bay. Nhẹ nhàng gieo hạt lên trên bề mặt chất trồng, tránh chôn hạt xuống phía dưới. Có thể dùng tay rải hạt hoặc dùng nhíp để gắp. Tưới phun sương 1 lần nước nữa để hạt dính vào chất trồng (không bắt buộc)
Gieo hạt

Bước 3: Để chậu ở nơi thích hợp và.... chờ đợi
Chậu gieo hạt xong để nơi có độ ẩm cao, ánh sáng nhẹ, tránh ánh sáng gắt buổi trưa. Bạn có thể ngâm chậu trong nước (ngập 1/3 chậu) để tăng độ ẩm, có thể tưới phun sương. Tránh tưới nước mạnh và tránh nước mưa có thể làm trôi hạt hoặc bắn hạt ra khỏi chậu. Hạt sẽ nảy mầm từ 2 tuần đến 2 tháng tùy loại hạt giống, độ tươi của hạt và điều kiện môi trường xung quanh.
Cây nắp ấm con
Hạt nảy mầm
Khay ươm hạt
Cây phát triển khá chậm. Ngoài ra, thời gian nảy mầm của hạt cũng không đồng đều, sẽ có những hạt nảy mầm trước và to hơn so với các hạt còn lại
Gieo hạt
Nepenthes ventricosa sau 10 tháng nảy mầm
Cây lớn bạn có thể từ từ tách riêng ra 1 chậu khác cho cây phát triển nhanh hơn
Cây đạt 1 năm tuổi
Gieo hạt rất thú vị nhưng cũng cần sự kiên trì. Ngoài ra phương pháp gieo hạt này có thể áp dụng cho các loại cây bắt mồi khác như gọng vó, bẫy kẹp, hố bẫy... Chúc các bạn sẽ thành công khi làm theo hướng dẫn của Bee :D

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Tổng quan cách chăm sóc cây bắt mồi

Cách chăm sóc cây bắt mồi (cây ăn thịt)

Cây bắt mồi khá đa dạng về hình dáng, môi trường sống, cách bắt mồi và thu nhận dinh dưỡng. Phổ biến và được nuôi trồng nhiều nhất là 5 nhóm gồm cây nắp ấm Nepenthes, gọng vó Drosera, bẫy kẹp Venus Flytrap Dionaea, hố bẫy Sarra, cỏ bơ Ping. ngoài ra còn nhiều loài khác cũng rất đặc biệt khác. Tuy nhiên chúng chia sẻ cùng một vài đặc tính môi trường cơ bản sau:
1. Nắng:

Đa số cây bắt mồi nói chung sống ở nơi quang đãng, có ánh sáng tương đối mạnh. Lí do rất đơn giản là chúng sống ở môi trường khá khắc nghiệt, nghèo dinh dưỡng và không phù hợp với đa số thực vật thông thường. Quá ít nắng sẽ làm các loại gọng vó, nắp ấm, bẫy kẹp.... mất màu, và chuyển sang màu xanh (trừ khi chúng có màu xanh ngay từ đầu). Quá nhiều nắng có thể làm một số cây có màu rất đẹp, tuy nhiên cây có khả năng cháy lá, bốc hơi nước nhanh và dễ khô môi trường (điều này rất không nên với cây bắt mồi. Vì vậy, trong các vườn ươm cây bắt mồi thương mại, người ta thường che bớt nắng lại bằng các lưới che, hay trồng trong nhà kính. Nếu sở hữu cây bắt mồi, bạn có thể trồng ở nơi có ánh sáng vừa phải. Tốt nhất là nắng trực tiếp buổi sáng, che nắng bằng lưới trồng lan lúc nắng trưa gắt.
2. Nước- Độ ẩm:

Cây bắt mồi thường sống nơi ẩm cao, ngập nước theo mùa như các đầm lầy (gọng vó, bẫy kẹp), hay ở vùng nhiệt đới (nơi có lượng mưa hàng năm khá cao) như nắp ấm. Vì vậy bạn nên cung cấp cho cây nhiều nước, nhiều ẩm. Hầu hết các chuyên gia về cây bắt mồi ở nước ngoài đều khuyên dùng nước mưa, nước cất, nước có thành phần và nồng độ khoáng rất thấp và không dùng nước máy, nước giếng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu và kinh nghiệm thực tế của dân chơi cây bắt mồi Việt Nam thì đa số dùng nước máy để tưới cây. (Hiện tại đa số người chơi cây bắt mồi sống ở thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội). Nước máy có ưu điểm là tiện, rẻ nhưng nhược điểm là có thể có chất khử trùng như Clo hay khoáng chất. Đa số nước máy không giết chết cây, chỉ làm chất trồng dễ mọc rêu, mốc hơn (là các loài thực vật cần nhiều khoáng chất để phát triển, mà khoáng chất được tích lũy trong chất trồng từ các lần tưới nước máy). Rêu mốc mọc nhiều trong thời gian dài thì sẽ dễ làm rễ cây thiếu sự thoáng khí và không tốt cho cây. Vậy nếu bạn không có điều kiện dùng nước ít khoáng thì có thể tưới nước máy, nhưng ngay khi có nước mưa, hãy rửa chất trồng bằng nước mưa nhiều lần cho rửa trôi bớt khoáng và chất tẩy trùng có trong nước mưa.
3. Chất trồng:
dừa cục
vỏ dừa

Thông thường cây bắt mồi sống ở nơi khá nghèo dinh dưỡng. Vì vậy khi trồng các cây bắt mồi nói chung bạn nên trồng bằng các loại chất trồng nghèo dinh dưỡng như xơ dừa, dừa cục, dớn trồng lan, cát... Không nên trồng bằng chất trồng giàu dinh dưỡng, dễ làm cháy rễ cây, cây không ra ấm. Ngoài ra, với các loại chất trồng này thì bạn cũng nên rửa sạch vài lần để loại bỏ bớt các khoáng chất, bào tử nấm, rêu mốc lẫn trong chất trồng.
dớn trắng
dớn trắng

4. Phân bón:
Không cần thiết và cực kì hại cây nếu bạn không có kinh nghiệm. Ngoài ra bạn cũng không cần thiết phải bắt mồi cho cây ăn, cây hoàn toàn có thể tự mình làm việc đó. Nhưng nếu bạn thích chăm sóc cây, bạn có thể cho cây ăn côn trùng nhỏ 1 tháng từ 1-2 lần. Ăn nhiều quá sẽ làm lá, kẹp hay ấm bị héo nhanh và không tốt cho cây.
Lời kết: Cây bắt mồi khá đẹp và độc đáo, thích hợp cho khu vườn của bạn. Cách chăm sóc cũng không công phu, chỉ cần nắng vừa phải, nhiều nước- ẩm, không trồng trên đất dinh dưỡng hay bón phân là bạn hoàn toàn có thể có những cây bắt mồi khỏe mạnh và rực rỡ. Chúc bạn thành công!
Cây nắp ấm Nepenthes

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Nắp ấm Nepenthes tại Bee Garden (Kỳ 2)

Nắp ấm Nepenthes tại Bee Garden (Kỳ 2)

Trong kỳ đầu tiên, Bee đã giới thiệu với các bạn về 3 loài nắp ấm khá quen thuộc với các bạn yêu thích cây bắt mồi. Trong kỳ này, Bee tiếp tục chia sẻ 3 loài nắp ấm tiếp theo mà Bee cũng rất thích
Nepenthes ampullaria

Nắp ấm Nepenthes ampullaria là một trong những loài có hình dáng rất đặc trưng, tương đối tròn. Chúng phân bố rất đa dạng và cũng được rất nhiều người yêu cây bắt mồi săn đón. Màu sắc cực kì đa dạng, từ đỏ, xanh, đen, tím, đốm nhiều màu...., còn ấm thì rất bền với thời gian. Người ta còn chú ý tới Nepenthes ampullaria bởi chúng có "ấm gốc" rất dễ thương (Cái này Bee sẽ chia sẻ trong các kì tới).
Nepenthes trichocarpa

Nepenthes ampullaria rất đẹp, với nhiều tính trạng nổi bật nên chúng cũng tạo ra những dòng lai vô cùng đặc sắc. Nepenthes x trichocarpa red (N. ampullaria x N. glacilis) là 1 ví dụ. Màu sắc ấm rất tươi tắn và thật sự thu hút Bee.
N. kuching green

Còn đây là 1 dòng lai khác của Nepenthes ampullaria. N. kuching (N.ampullaria x N. mirabilis) rất dễ bơm ấm. Hiện tại Bee đang sở hữu 2 clone của giống này là N. kuching green (ấm xanh) và N. kuching spotted (ấm đốm).
N. kuching spotted

Nepenthes ampullaria còn có các dòng lai cao cấp hơn như N. hookeriana (N. ampullaria x N. rafflesiana), Garden Tech (N. ampullaria x ventricosa), N. ampullaria x N. sibuyanensis..... Hẹn kì tới Bee sẽ chia sẻ kĩ hơn với các bạn!

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Gọng vó Drosera ngoài tự nhiên Việt Nam

Gọng vó Drosera ngoài tự nhiên Việt Nam

In general, there are 3 species of genus Drosera in Vietnam habitat, including: Drosera burmannii, Drosera indica and Drosera peltata. However, it maybe have some others strange forms of Drosera which need the help of taxonimic scientists.....
Hồi học đại học, lần đầu tiên nhìn thấy cây gọng vó tại 1 gian hàng trưng bày trong ngày hội của trường là Bee mê liền. Về google tìm hiểu thì Bee gần như không tìm được thông tin gì về gọng vó ở tự nhiên Việt Nam cả (Bee không biết thông tin quá ít hay Bee dở tin học nữa ^^ ). Mần mò tìm hiểu khá nhiều, và bây giờ khi Bee trở thành 1 CPer (CP là carnivorous plant: cây bắt mồi í), Bee sẽ chia sẻ chủ đề này với các bạn.
Ngoài tự nhiên Việt Nam có ít nhất 3 loài gọng vó: Drosera burmannii, Drosera indica và Drosera peltata. Thật ra, số lượng loài chính xác vẫn còn là một dấu hỏi và cần có sự vào cuộc của khoa học để xác minh. Cụ thể, một trong những tranh cãi gần đây là sự xuất hiện của những ảnh chụp gọng vó ở Quảng Ninh, có hình dạng tương đối giống Drosera spatulata. Nhưng đó là chuyện khoa học, bữa nay Bee sẽ bàn về 3 loài gọng vó đã có "chứng minh thư" ở Việt Nam trước đã:

Drosera burmannii habitat
Drosera burmannii ngoài tự nhiên (sưu tầm từ anh Bon)

Đây là Drosera burmannii chính chủ tại Việt Nam. Một số người còn gọi chúng với cái tên dân dã hơn là bèo đất. Cây có kích thước khá nhỏ, từ 2,5-4 cm đường kính nhưng rất đẹp. Đây cũng là loài cây gọng vó được trồng phổ biến nhất  trong các vườn của những bạn yêu thích cây bắt mồi.
Drosera indica habitat
Còn đây là Drosera indica. Ngoài tự nhiên Việt Nam có 2 clone (giống): Clone xanh và clone đỏ. Thông thường clone xanh có kích thước lớn hơn so với clone đỏ, mặc dù so với Drosera burmannii thì chúng lớn hơn rất nhiều.


Cuối cùng là Drosera peltata- loài này sống chủ yếu trên núi cao của Đà Lạt nên rất hiếm người chơi cây bắt mồi ở Việt Nam sở hữu. Cũng vì vậy, thông tin về loài này ở Việt Nam còn tương đối xơ xài. Đặc điểm nổi bật nhất của loài là ở những chiếc lá hình bán nguyệt rất lạ mắt, và có khả năng tạo củ để sinh sản.

Drosera habitat in Vietnam
Tiện thể cho các bạn xem hình loài gọng vó đang gây tranh cãi tại Việt Nam. Và biết đâu đó, còn có những loài gọng vó khác cũng tại đất nước mình đang chờ các bạn yêu thích cây bắt mồi khám phá và phát hiện...

Nắp ấm Nepenthes tại Bee Garden (Kì 1)

Nắp ấm Nepenthes tại Bee Garden (Kì 1)

Hôm nay Bee sẽ giới thiệu vài cây nắp ấm Nepenthes mà Bee đã sưu tầm được trong thời gian qua. Vì giá thành cây bắt mồi nói chung và nắp ấm nói riêng tại Việt Nam khá cao so với các loại cây cảnh khác nên "gia tài" nắp ấm của Bee tăng lên khá chậm. Vì vậy Bee tìm kiếm vẻ đẹp Nắp ấm giản dị với những cây giá bình dân trước. Và đây là vài cây Bee đã có:

N. glacilis
N. glacilis


N. glacilis
Đây là vài clone của Nepenthes glacilis của Bee. N. glacilis rất thích hợp cho người mới bắt đầu vì dễ trồng, nhanh lớn, nhiều màu sắc, giá rẻ (rẻ với nắp ấm thôi, chứ nhìn qua giá các loài cây khác thì..... @@ ). Tuy nhiên N. glacilis có ấm tương đối nhỏ, thuộc một trong những loài nhỏ nhất trong các loài nắp ấm thuần chủng. Do vậy N. glacilis ít được người chơi cây bắt mồi chú ý.
N. mirabilis x kampotiana

N. mirabilis x kampotiana
Còn đây là Nepenthes mirabilis x kampotiana, một loài lai đặc trưng của Việt Nam. Cả cây bố và mẹ đều là loài đặc trưng, có thể tìm thấy ngoài tự nhiên Việt Nam nên không cây lai sống rất mạnh mẽ, thậm chí có kích thước to vượt trội so với cây bố mẹ.
N. mirabilis x smilesii
Đây là một loài lai khác với cây bố và mẹ đều là loài nắp ấm có ở tự nhiên Việt Nam. N. mirabilis x smilesii có kích thước ấm nhỏ như N. mirabilis nhưng ấm bền hơn và có nhiều đốm trên thân ấm.
Tạm thời bữa nay Bee dừng lại tại đây, để dành lần sau khoe tiếp cùng các bạn!:)) Còn khá nhiều loài nắp ấm đẹp khác đang được nuôi dưỡng tại Bee Garden chờ được "lên sóng" :))

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Xương rồng sao biển

Xương rồng sao biển

Đây là loại cây Bee mới thích trong thời gan gần đây nhưng đã thật sự gây được ấn tượng mạnh cho Bee (mặc dù Bee trước giờ dành nhiều tình cảm cho cây bắt mồi hơn). Theo đánh giá sơ bộ của Bee thì xương rồng sao biển có hình dáng thân không có sự đặc sắc so với các loài xương rồng khác đang được các bạn mê xương rồng- mọng nước trao đổi và sưu tầm. Tuy nhiên, chúng lại có 1 vẻ đẹp riêng, rất độc đáo........
xương rồng sao biển (sưu tầm)
Hoa xương rồng sao biển rất độc đáo và đặc trưng nhưng cũng không kém phần đa dạng bởi hình dạng. Tuy nhiên chúng chia sẻ đặc điểm chung là hoa có 5 cánh- hình dáng giống con sao biển. Ngoài ra 1 số loài xương rồng sao biển còn phát ra mùi thối để thu hút côn trùng đến thụ phấn. Dù vậy không phải loài nào cũng có mùi đặc biệt đó (ít nhất là Bee không ngửi thấy :)) )
hoa xương rồng sao biển Huernia zebrina (sưu tầm)
Hiện tại thì Bee mới chỉ có 2 nhánh nhỏ của loài xương rồng sao biển Huernia zebrina, là món quà nhỏ do anh Nam chủ Shim's shop tặng nhân dịp ghé thăm vườn của anh! Cây xương rồng mẹ nhà anh cũng đang ra hoa rất đẹp. Bee hi vọng 1 ngày không xa, cây xương rồng con của Bee cũng sẽ ra hoa đẹp lung linh như cây mẹ.
Còn 1 loài xương rồng sao biển nữa mà Bee cũng đang khá ấn tượng, bởi kích thước hoa khá to nhưng khi nở hoa thì có mùi "không thơm cho lắm". Đây cũng là cây Bee được anh Nam giới thiệu, giờ Bee giới thiệu lại các bạn luôn :)

xương rồng sao biển (sưu tầm)
Xương rồng sao biển còn rất nhiều dạng với đủ kích cỡ, màu sắc của hoa. Tuy nhiên Bee sẽ hẹn các bạn vào 1 dịp khác, Bee sẽ chia sẻ những hình chụp thực tế từ khu vườn của Bee :) Ngày đó sẽ không xa!
P/s: cảm ơn tác giả của các tấm hình trên đã chia sẻ!