Cách chăm sóc cây bắt mồi (cây ăn thịt)
Cây bắt mồi khá đa dạng về hình dáng, môi trường sống, cách bắt mồi và thu nhận dinh dưỡng. Phổ biến và được nuôi trồng nhiều nhất là 5 nhóm gồm cây nắp ấm Nepenthes, gọng vó Drosera, bẫy kẹp Venus Flytrap Dionaea, hố bẫy Sarra, cỏ bơ Ping. ngoài ra còn nhiều loài khác cũng rất đặc biệt khác. Tuy nhiên chúng chia sẻ cùng một vài đặc tính môi trường cơ bản sau:
1. Nắng:
Đa số cây bắt mồi nói chung sống ở nơi quang đãng, có ánh sáng tương đối mạnh. Lí do rất đơn giản là chúng sống ở môi trường khá khắc nghiệt, nghèo dinh dưỡng và không phù hợp với đa số thực vật thông thường. Quá ít nắng sẽ làm các loại gọng vó, nắp ấm, bẫy kẹp.... mất màu, và chuyển sang màu xanh (trừ khi chúng có màu xanh ngay từ đầu). Quá nhiều nắng có thể làm một số cây có màu rất đẹp, tuy nhiên cây có khả năng cháy lá, bốc hơi nước nhanh và dễ khô môi trường (điều này rất không nên với cây bắt mồi. Vì vậy, trong các vườn ươm cây bắt mồi thương mại, người ta thường che bớt nắng lại bằng các lưới che, hay trồng trong nhà kính. Nếu sở hữu cây bắt mồi, bạn có thể trồng ở nơi có ánh sáng vừa phải. Tốt nhất là nắng trực tiếp buổi sáng, che nắng bằng lưới trồng lan lúc nắng trưa gắt.
2. Nước- Độ ẩm:
Cây bắt mồi thường sống nơi ẩm cao, ngập nước theo mùa như các đầm lầy (gọng vó, bẫy kẹp), hay ở vùng nhiệt đới (nơi có lượng mưa hàng năm khá cao) như nắp ấm. Vì vậy bạn nên cung cấp cho cây nhiều nước, nhiều ẩm. Hầu hết các chuyên gia về cây bắt mồi ở nước ngoài đều khuyên dùng nước mưa, nước cất, nước có thành phần và nồng độ khoáng rất thấp và không dùng nước máy, nước giếng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu và kinh nghiệm thực tế của dân chơi cây bắt mồi Việt Nam thì đa số dùng nước máy để tưới cây. (Hiện tại đa số người chơi cây bắt mồi sống ở thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội). Nước máy có ưu điểm là tiện, rẻ nhưng nhược điểm là có thể có chất khử trùng như Clo hay khoáng chất. Đa số nước máy không giết chết cây, chỉ làm chất trồng dễ mọc rêu, mốc hơn (là các loài thực vật cần nhiều khoáng chất để phát triển, mà khoáng chất được tích lũy trong chất trồng từ các lần tưới nước máy). Rêu mốc mọc nhiều trong thời gian dài thì sẽ dễ làm rễ cây thiếu sự thoáng khí và không tốt cho cây. Vậy nếu bạn không có điều kiện dùng nước ít khoáng thì
có thể tưới nước máy, nhưng ngay khi có nước mưa, hãy rửa chất trồng bằng nước mưa nhiều lần cho rửa trôi bớt khoáng và chất tẩy trùng có trong nước mưa.
3. Chất trồng:
|
vỏ dừa |
Thông thường cây bắt mồi sống ở nơi khá nghèo dinh dưỡng. Vì vậy khi trồng các cây bắt mồi nói chung bạn nên trồng bằng các loại chất trồng nghèo dinh dưỡng như xơ dừa, dừa cục, dớn trồng lan, cát... Không nên trồng bằng chất trồng giàu dinh dưỡng, dễ làm cháy rễ cây, cây không ra ấm. Ngoài ra, với các loại chất trồng này thì bạn cũng nên rửa sạch vài lần để loại bỏ bớt các khoáng chất, bào tử nấm, rêu mốc lẫn trong chất trồng.
|
dớn trắng |
4. Phân bón:
Không cần thiết và cực kì hại cây nếu bạn không có kinh nghiệm. Ngoài ra bạn cũng không cần thiết phải bắt mồi cho cây ăn, cây hoàn toàn có thể tự mình làm việc đó. Nhưng nếu bạn thích chăm sóc cây, bạn có thể cho cây ăn côn trùng nhỏ 1 tháng từ 1-2 lần. Ăn nhiều quá sẽ làm lá, kẹp hay ấm bị héo nhanh và không tốt cho cây.
Lời kết: Cây bắt mồi khá đẹp và độc đáo, thích hợp cho khu vườn của bạn. Cách chăm sóc cũng không công phu, chỉ cần nắng vừa phải, nhiều nước- ẩm, không trồng trên đất dinh dưỡng hay bón phân là bạn hoàn toàn có thể có những cây bắt mồi khỏe mạnh và rực rỡ. Chúc bạn thành công!